Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo kiến thức trong đề cương ôn tập, các nội dung đã được giới hạn. Ở mỗi kì thi, muốn có kết quả cao khi làm bài thi trắc nghiệm thì mỗi thí sinh cần lưu ý những điều sau đây.
1. Phân bố thời gian làm bài:
Trong quá trình làm bài, thí sinh phải biết phân bố thời gian một cách hợp lí, tránh tập trung nhiều thời gian cho 1 vài câu nào đó. Ví dụ đề bài có 30 câu và làm trong 30 phút, nếu thí sinh mất khoảng 5 phút cho 1 câu thì chắc chắn không còn thời gian để làm các câu khác. Mỗi bài thi, thí sinh phải có ít nhất từ 3 phút cuối giờ (tuỳ theo số lượng câu và thời gian làm bài trắc nghiệm) để kiểm tra lại toàn bộ đáp án, công việc này rất quan trọng bởi nhiều thí sinh trong quá trình soát lại bài làm đã phát hiện ra nhiều sai sót, bổ sung những câu đã có lời giải nhưng quên chưa chọn phương án trả lời...
2. Không nên cầu toàn và tỉ mỉ về lời giải chi tiết
Các bài thi trắc nghiệm thường rất hạn chế về thời gian, đề thi bao giờ cũng đòi hỏi thí sinh phải có phản xạ nhanh để đưa ra phương án đúng vì thế trong quá trình làm bài việc tính nhẩm, việc liên hệ các phương án, liên hệ giữa các kiến thức với nhau là rất quan trọng, thí sinh không nên viết đầy đủ lời giải chi tiết thay vào đó chỉ cần có phương án trả lời là được.
3. Có thói quen đọc kĩ đề bài trước khi nhìn vào đáp án để chọn
Nhiều thí sinh coi nhẹ việc đọc đề bài, chưa đọc hết đề đã nhìn các phương án để chọn điều này rất nguy hiểm dẫn đến chọn sai. Trong mỗi câu hỏi, ngoài phương án đúng thì nội dung của các phương án sai thường gây nhiễu cho thí sinh vì vậy thí sinh cần đọc kĩ đề bài để đưa ra đáp án ban đầu cho mình và cuối cùng mới đối chiếu đáp án vừa tìm với các phương án A, B, C, D để có lựa chọn đúng đắn.
4. Nhận diện nhanh và làm lướt các câu dễ
Khi nhận đề, thí sinh nên có thói quen làm lướt và hoàn thành các câu dễ trước, điều này giúp cho thí sinh một tâm lí tốt để làm các câu khó và cũng để việc phân bố thời gian làm bài được hợp lí hơn.
5. Có thói quen kiểm tra lại đáp án
Nhiều thí sinh mất điểm một cách ngớ ngẩn, trong đầu thì chọn phương án A nhưng tay lại khoanh vào phương án B… Cho nên thí sinh có thói quen dò lại từng câu trong bài làm của mình. Những phương án cảm thấy không chắc chắn có thể đặt dấu hỏi bên cạnh để nếu có thời gian sẽ kiểm tra và làm lại.
6. Chọn nhầm còn hơn bỏ sót
Nhiều câu hỏi thí sinh không thể làm được vì chưa đụng chạm đến bao giờ hoặc câu hỏi quá khó, hoặc thí sinh không còn thời gian để làm bài. Trong các trường hợp đó buộc thí sinh phải chọn đáp án một cách ngẫu nhiên thay vì để trống các phương án.
Trên đây là một số kinh nghiệm để làm bài thi trắc nghiệm, ngoài kinh nghiệm và các thủ thuật làm bài thì việc chuẩn bị ôn tập kiến thức, việc thường xuyên làm các bài trắc nghiệm đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến kết quả bài thi.
Chúc các thí sinh làm bài đạt kết quả cao.
0 Comments
Đăng nhận xét